Người dùng túi tiền eo hẹp có thể chọn mua điện thoại cũ khi trang bị một số kiến thức về chủng loại hàng hoặc mẹo khi lên mạng.

Hiện nay, tìm mua cho mình chiếc điện thoại cao cấp để sử dụng dường như khá khó khăn khi giá của chúng ngày một cao. Ví dụ như chiếc Samsung Galaxy S8 có giá bán khoảng 18,5 triệu đồng cao hơn 2,3 triệu đồng so với Galaxy S7 vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhiều người dự đoán giá của chiếc iPhone 8 sẽ còn cao hơn giá một chiếc MacBook. Khi ví tiền của người dùng không đủ chi trả cho sự leo thang của những chiếc smartphone hàng đầu hiện nay, thì việc mua thiết bị qua sử dụng là một lựa chọn hợp lý.

Kinh nghiem hay khi chon mua dien thoai cu hinh anh 1

Lựa chọn mua điện thoại cũ cần nhiều kinh nghiệm để có sản phẩm ưng ý. Ảnh: TomsGuide.

Phân biệt hàng qua sử dụng, hàng pre-owned và hàng refurbished

Đầu tiên, người dùng cần tìm hiểu chính xác loại hàng sẽ mua. Có một số thuật ngữ dùng để mô tả chất lượng của sản phẩm mà các nhà phân phối hay người bán thường sử dụng như điện thoại qua sử dụng (second hand), pre-owned hay trả bảo hành (refurbished).

Đối với loại hàng đã qua sử dụng, chúng thường được bán trực tiếp từ người chủ sở hữu hoặc qua dịch vụ thương mại trung gian. Khi mua loại hàng này, hãy chắc chắn rằng chất lượng cũng như hình dạng bên ngoài giống như mô tả. Thuật ngữ cho loại hàng này như Likenew + phần trăm, tức là hàng giống như mới. Hay 99% là mới mở hộp hoặc dùng được vài tuần trở xuống.

Pre-owned có thể coi như là loại hàng cũ mà mới. Cũ vì nó được sản xuất bằng các linh kiện điện tử và phần cứng của các máy đã qua sử dụng được nhà sản xuất thu mua lại. Sau đó được xem xét, lắp ráp và sửa chữa. Chúng có hiệu năng, độ bền như hàng mới. Khi mua loại máy này vẫn được tặng phụ kiện đi kèm, chứng nhận Pre-owned và được hỗ trợ bảo hành đầy đủ.

Hàng trả bảo hành chỉ những sản phẩm phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt của nhà sản xuất vì những vấn đề hay lỗi phát sinh khi sử dụng. Thiết bị sẽ được kiểm định, khắc phục, tân trang và cho đóng gói lại để trở về thị trường với thời gian bảo hành ít hơn.

Chọn thời điểm thích hợp

Khoảng thời gian thích hợp nhất để mua lại điện thoại cũ là khi phiên bản mới của dòng điện thoại đó ra mắt. Ví dụ như Galaxy S8 trình làng khiến nhiều người dùng bán S7 để sở hữu. Do đó, giá của S7 sẽ giảm và đây là thời điểm phù hợp để mua.

Thời gian công bố một sản phẩm mới của mỗi nhà sản xuất thay đổi một ít qua các năm, nhưng hầu như là cố định. Các nhà sản xuất điện thoại Android hàng đầu hiện nay như Samsung hay LG thông báo những mẫu điện thoại cao cấp sẽ được ra mắt vào đầu mùa xuân. Còn đối với Apple, iPhone phiên bản mới thường được ra mắt trong mùa thu.

Điện thoại khóa mạng và điện thoại unlock

Điện thoại khóa mạng có giá rẻ hơn so với những phiên bản khác. Tuy nhiên, nhược điểm của thiết bị là chỉ sử dụng được SIM từ nhà mạng đó. Một số dòng điện thoại xách tay khóa mạng được người dùng ưu chuộng hiện nay thuộc AT&T, T-Mobile, Docomo…

Kinh nghiem hay khi chon mua dien thoai cu hinh anh 2
Điện thoại khóa mạng có khá nhiều nhược điểm nhưng giá lại rẻ hơn bản không khóa. Ảnh: TomsGuide.

Smartphone unlock là thiết bị được sửa chữa để sử dụng SIM của nhà mạng khác. Có 2 cách để unlock là dùng SIM kép và dùng mã code của nhà mạng cung cấp để máy trở thành phiên bản quốc tế. Phương pháp dùng SIM kép được lựa chọn nhiều hơn bởi giá thành rẻ, nhưng có thể sẽ gặp một số trục trặc khi cập nhập phiên bản mới cho hệ điều hành.

So sánh giá

Để tìm ra giá trị đúng của chiếc smartphone cũ, người dùng nên tham khảo giá ở nhiều nguồn khác nhau như các trang giao dịch điện tử hoặc hoặc website của nhà phân phối điện thoại.

Chính sách hoàn trả

Nếu không chọn mua điện thoại từ nhà sản xuất, nên tìm người bán hay nhà phân phối có chính sách hoàn trả hợp lý. Những hư tổn vật lý bên ngoài có thể kiểm tra ngay được như các vết trầy xước, camera, màn hình hiển thị...

Nhưng với lỗi phần mềm bên trong máy, người dùng cần một khoản thời gian để sử dụng mới nhận ra chúng. Do đó, trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là vừa mất tiền lại phải dùng máy hỏng. Vì vậy, người dùng cần kiểm tra thật kỹ để tránh trường hợp trên.

Thông tin người bán

Khi muốn mua máy của một cá nhân nào đó, nên tìm hiểu kỹ xem người này có đáng tin hay không trước khi quyết định giao tiền. Các trang web như Nhattao, Ebay, Amazon có lưu trữ thông tin thành viên, lịch sử giao dịch thành công, cũng như nhận xét từ những người mua khác. Việc tìm hiểu kỹ về người bán có thể tránh được nhiều rủi ro trong giao dịch cũng như việc việc mua thiết bị không ưng ý.

Tình trạng máy

Kiểm tra màn hình đầu tiên khi mua máy cũ vì chi phí thay màn hình điện thoại khá cao. Kiểm tra các vết nứt, rạn, độ nhạy cảm ứng, khả năng hiển thị và điểm chết trên màn hình.

Bên cạnh đó, các vết lõm hay trầy xước xung quanh vỏ điện thoại cũng nói lên được máy đã chịu nhiều tác động vật lý. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến phần cứng bên trong và độ bền của thiết bị.

Sau khi kiểm tra tình trạng máy, chấp nhận một vài vết trầy nhỏ hay một số lỗi vặt, hãy thỏa thuận một mức giá hợp lý xứng đáng với nó.

Phụ kiện đi kèm

Những phụ kiện được tặng kèm cũng khá quan trọng như cáp sạc, tai nghe. Tuy có giá trị không cao nhưng người dùng sẽ không muốn tốn thời gian để mua lại chúng.

Kinh nghiem hay khi chon mua dien thoai cu hinh anh 3
Phụ kiện đi kèm tuy giá trị không cao nhưng lại khá quan trọng. Ảnh: TomsGuide.

Pin

Tuổi thọ của pin giảm dần qua từng ngày. Vì vậy, đối với các máy cũ, thời lượng pin sử dụng rất hạn chế. Nếu như có nhu cầu phải sử dụng thường xuyên, người dùng nên mua thêm một cục sạc dự phòng hoặc bỏ thêm chi phí để thay pin mới. Sẽ thật phiền toái nếu như máy hết pin khi cần dùng đến.

Video sẽ chạy sau0

5 mẹo hay nên thử với smartphone Chụp ảnh, chống rung khi quay video và làm đèn ngủ từ chai nước khoáng là những mẹo người dùng có thể thử với smartphone.