"Thinnovation", cụm từ mà Apple từng sử dụng để quảng bá cho MacBook Air có lẽ cũng là cụm từ chính xác nhất để mô tả về iPad Air.
6 năm sau ngày làm cả thế giới công nghệ phải sững sờ về chiếc laptop mỏng đến mức có thể nhét vừa vào một chiếc phong bì cỡ lớn, Apple tiếp tục cách tân cho dòng máy tính bảng cao cấp của mình bằng cách ra mắt iPad Air. Theo đúng như tên gọi của mình, iPad Air có thân hình "nhẹ như không khí" với cân nặng chỉ bằng 2/3 so với iPad thế hệ thứ 4, viền máy được gọt mỏng hơn tới 40%.
Chiếc máy tính bảng mới vẫn sở hữu màn hình Retina tuyệt đẹp từ 2 thế hệ iPad trước. iPad 9.7 inch của năm 2013 cũng mang trong mình vi xử lý A7 mạnh mẽ với kiến trúc 64-bit mạnh mẽ.
Điều đáng tiếc là giá của iPad Air sẽ không "nhẹ" hơn chút nào: Tại Mỹ, phiên bản 16GB Wi-fi sẽ có giá 500 USD (10,5 triệu đồng). Phiên bản đắt nhất, 128GB 4G LTE có giá lên tới 929 USD (19,6 triệu đồng). Cũng giống như mọi năm, iPad Air ra mắt ngay trước kỳ mua sắm bận rộn mùa Noel. Vậy, liệu hiệu năng mạnh mẽ và thiết kế đẹp có xứng đáng với số tiền mà bạn sẽ bỏ ra? Hãy cùng đi tìm câu trả lời với Engadget.
Thiết kế phần cứng
Trong khi iPad thế hệ thứ 3 ("new iPad with Retina display") cũng như người kế nhiệm iPad 4 có màn hình Retina tuyệt đẹp, cân nặng và độ dày của 2 dòng iPad này là một trở ngại lớn đối với người hâm mộ. Dù sao đi chăng nữa, đến thời điểm tháng 10/2013, Apple cũng đã kịp đem đến một "luồng gió" vừa mới vừa cũ cho dòng máy tính bảng cao cấp của mình.
Tại sao lại là vừa mới vừa cũ? Những người đã từng sử dụng iPad mini sẽ sớm đưa ra nhận xét rằng iPad Air thực chất chỉ là một phiên bản phóng đại của iPad mini, nếu chỉ xét riêng yếu tố thiết kế. Có thể nói rằng iPad mini là một ván bài khôn ngoan của Apple nhằm thử nghiệm ngôn ngữ thiết kế mới của Jony Ive, và thành công của chiếc tablet cỡ nhỏ này đủ lớn để iPad 9.7 inch phải học theo chính đàn em của mình.
Đặt tên cho iPad 2013 là "iPad Air" là rất hợp lý: nếu bạn đã từng sử dụng iPad 3 hay iPad 4, bạn sẽ thấy iPad Air nhỏ và nhẹ hơn rất nhiều. Cân nặng của máy chỉ là 450 gram, độ dày chỉ là 7,5 mm – mỏng hơn 1,9 mm và nhẹ hơn khoảng 200 gram so với iPad 4. Viền màn hình 2 bên của iPad Air cũng nhỏ hơn rất nhiều so với iPad 4.
Thân nhôm nguyên khối của iPad Air rất chắc chắn. Cạnh thân máy ít vát hơn trước, và nhờ đó bạn có thể cầm iPad Air chắc chắn hơn so với iPad 4. Apple cũng đã thêm vào một đường viền nhỏ giữa mặt trước và phần còn lại của thân máy, tạo ra ngoại hình rất đẳng cấp cho iPad Air. Tuy nhiên các đường viền ở các bên cạnh khá dễ bị xước, do đó bạn sẽ phải giữ gìn iPad Air một cách cẩn thận nếu không muốn tablet của mình xuống cấp một cách thảm hại sau một thời gian sử dụng.
iPad Air cũng có rất nhiều cải tiến nhỏ khác về mặt thiết kế. Ví dụ, bộ phận loa đã được thiết kế lại thành 2 dải nằm bên cạnh cổng Lightning, thay vì nằm ở góc dưới bên trái như thế hệ trước. Trên model iPad Air màu trắng, các nút có màu bạc thay vì màu đen, và nút chỉnh âm lượng cũng đã được tách riêng thành 2 phím tăng, giảm. Apple cũng đã thiết kế thêm một microphone ở phía trên mặt sau máy nhằm giảm tiếng ồn khi trò chuyện. iPad Air chỉ hỗ trợ SIM nano, thay vì microSIM. Thẻ SIM cũng được thiết kế lại và đặt ở góc dưới bên phải của máy.
Có lẽ điểm đáng tiếc nhất trên thiết kế của iPad Air là nút Home. Apple đã quyết định không trang bị cảm biến vân tay Touch ID của iPhone 5s cho iPad Air. iPad Mini mới cũng không được trang bị Touch ID. Rất có thể, Apple đang để dành Touch ID cho thế hệ iPad tiếp theo. Không có Touch ID, người dùng sẽ vẫn phải bảo vệ cho máy tính bảng bằng cách sử dụng mật khẩu.
Cấu hình & Kết nối
Theo tuyên bố của Apple, vi xử lý A7 của iPad Air có sức mạnh gấp đôi A6X trên iPad 4. Cũng giống như iPhone 5s, A7 trên iPad Air được trang bị cả vi xử lý phụ M7 nhằm phục vụ cho các tác vụ cảm biến chuyển động.
Độ phân giải màn hình trên iPad Air đạt 2048 x 1536 pixel, tương đương với mật độ điểm ảnh/inch là 264 ppi. Độ sắc nét của iPad Air còn kém cả sản phẩm đàn em của mình, do iPad mini Retina có cùng độ phân giải với iPad Air, chiếc iPad cỡ lớn của năm 2013.
Các đối thủ cạnh tranh như Nexus 10 và Galaxy Note 10.1 phiên bản 2014 thậm chí còn có độ phân giải lên tới 2560 x 1600 pixel, giúp tạo ra mật độ điểm ảnh lớn hơn nhiều so với iPad Air. Nói như vậy không có nghĩa rằng màn hình của iPad Air có chất lượng kém: tất cả những lời khen dành cho Retina trên iPad 3 và iPad 4 vẫn được giữ nguyên trên iPad Air. Chất lượng hình ảnh tại các góc nhìn hẹp cũng rất tốt, và độ sáng màn hình khi sử dụng ngoài trời cũng không thua kém chút nào so với các đối thủ cạnh tranh.
Về kết nối di động, iPad Air hỗ trợ tới 14 dải tần 4G LTE. Tuy nhiên người dùng tại Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phải chung sống với 3G, song việc iPad Air hỗ trợ tới 14 dải tần cũng là một tín hiệu mừng: bạn sẽ không phải lo lắng về khả năng tương thích của iPad Air với sóng 4G tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.
iPad Air được trang bị kết nối Bluetooth 4.0, công nghệ định tuyến aGPS/GLONASS. iPad Air hỗ trợ kết nối Wi-fi chuẩn 802.11a/b/g/n với tính năng MIMO (nhiều đầu ra, nhiều đầu vào). Điều này có nghĩa rằng iPad Air có thể kết nối với nhiều ăng-ten cùng lúc để nhận và gửi dữ liệu dễ dàng hơn. Theo tuyên bố của Apple, tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa của iPad Air là 300 Mbps.
Phần mềm
iPad Air được trang bị iOS 7.0.3. Ngoại trừ bản vá cho một số lỗi nghiêm trọng, iOS 7.0.3 còn có iCloud Keychain, một tính năng cho phép bạn đồng bộ mật khẩu và thông tin thẻ tín dụng trên tất cả các thiết bị iOS của mình, cũng như một khả năng tạo mật khẩu tự động mới cho Safari. Nhìn chung, có thể nói rằng iPad Air vẫn không hề có lợi thế phần mềm nào nếu so với các thiết bị Apple chạy iOS 7 khác.
Camera
Nhìn chung, chất lượng của camera trên iPad Air vẫn giống như các thế hệ trước. Apple gần như không mang tới thay đổi nào cho camera iSight: vẫn là chiếc camera 5MP khẩu độ f/2.4 với cảm biến BSI tự động lấy nét như 2 đời iPad trước.
Chất lượng ảnh của iPad Air nhìn chung khá ổn, và bạn cũng có thể chụp "tốc độ cao" với 12 kiểu ảnh trong vòng 5 giây. Camera của iPad Air không có đèn flash, do đó chụp đêm sẽ bị mờ và khá nhiễu. Lẽ ra, Apple nên cung cấp nhiều chế độ chụp cho iPad Air như panorama, chụp liên tiếp và quay chậm. Cũng giống như các thiết bị iOS cũ, ứng dụng chụp ảnh trên iPad Air gần như không có tùy chỉnh nào, ngoại trừ HDR, chụp ảnh vuông và chỉnh sửa sau khi chụp.
Ảnh chụp trong trời tối gần như không thể sử dụng được
Ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng cũng có chất lượng không cao
Tuy vậy, ảnh chụp ngoài trời lại khá "lung linh"
Những bức ảnh như thế này là quá đủ cho các mạng xã hội
Tính năng quay video cũng có thông số giống hệt thế hệ cũ: camera FaceTime mặt trước có khả năng quay video độ phân giải 720p, trong khi camera mặt sau có thể quay video 1080p.
Nhờ có 2 microphone (thay vì 1 chiếc như thông thường), trải nghiệm nghe gọi trên FaceTime đem lại giọng nói rất rõ ràng. Chất lượng video cũng ở mức chấp nhận được, cuộc gọi video khá mượt mà song đôi khi hình ảnh hơi bị rung quá mức.
Bạn có thể quay video với camera mặt sau của iPad Air: camera chính đem lại chất lượng video khá tốt, chuyển động của các vật thể rất mượt mà, song rất tiếc 2 chiếc microphone không giúp loại bỏ tiếng ồn của môi trường xung quanh hoặc thậm chí là cả những cơn gió nhẹ.
Hiệu năng xử lý & Thời lượng pin
Cho đến giờ, iPad 4 vẫn là một trong những chiếc máy tính bảng có hiệu năng phần mềm tốt nhất trên thị trường. Do đó, không có gì khó hiểu khi iPad Air tiếp tục giữ vững ngôi vương về hiệu năng ứng dụng của Apple: một số trang tin công nghệ thậm chí còn hài hước nhận định rằng iPad Air "nhanh tới mức lố bịch". Lý do giúp iPad Air có hiệu năng mạnh mẽ là nhờ vi xử lý A7 tương tự như iPhone 5s, song đã được nâng xung nhịp từ 1.3 GHz lên 1.4 GHz. iPad Air có 1GB RAM.
Lợi ích của vi xử lý A7 không chỉ dừng lại ở tốc độ và hiệu năng tiêu thụ điện tốt hơn mà còn bao gồm cả kiến trúc 64-bit. Kiến trúc 64-bit là tương lai của điện toán di động với nhiều lợi ích như gia tăng hiệu năng và hỗ trợ dung lượng RAM (về mặt lý thuyết) lên tới… 16,8 triệu terabyte. Một số game và ứng dụng di động đã thực hiện bước nhảy lên 64-bit, và sự có mặt của A7 trên iPad Air là một tín hiệu mừng cho các nhà phát triển phần mềm nói riêng cũng như người dùng di động nói chung.
Trở ngại lớn nhất đối với iPad Air là máy thỉnh thoảng còn gặp hiện tượng đứng hình do lỗi của iOS 7. Ứng dụng có tốc độ tải được cải thiện đáng kể, và bạn sẽ nhận thấy các ứng dụng "nặng" vi xử lý như game Infinity Blade III, iMovie và GarageBand trở nên nhanh nhạy hơn rất nhiều. Thật may mắn, iPad Air không bị tỏa nhiệt nhiều như các model cũ, ngay cả khi đã sử dụng trong một thời gian dài.
Sau đây là kết quả benchmark của iPad Air, iPhone 5s và iPad 4:
Kết quả benchmark Sun Spider trên iPad Air hiện đang nắm giữ vị trí số 1 trên thị trường di động (smartphone và tablet). Tất cả các benchmark khác cũng cho thấy iPad Air là một bước tiến vượt bậc so với các thế hệ trước. Nhìn chung, kết quả benchmark này phản ánh khá chính xác trải nghiệm sử dụng thực tế.
Về thời lượng pin, iPad Air tiếp tục truyền thống "pin 10 giờ" của Apple. Đây cũng chính là thời lượng pin của các thế hệ iPad trước. Trong khi thời lượng pin của iPad Air không được cải thiện nhiều, đây vẫn là một thành tựu đáng nể của Apple do pin đã được giảm kích cỡ và vi xử lý đã được tăng lên rất nhiều. Thậm chí, dù pin của iPad Air bị giảm từ 42 Watt-giờ (iPad 4) xuống còn 32 Watt-giờ, thời lượng pin của iPad Air… tốt hơn so với iPad 4 và đạt mức 13 giờ 45 phút trong thử nghiệm chơi video liên tục. Trong khi đó, dù dày và nặng hơn rất nhiều, phiên bản Wi-fi của iPad 4 chỉ đạt vừa tròn 10 giờ đồng hồ trong thử nghiệm video của Endgadget.
Trong quá trình sử dụng thực tế, ngay cả khi sử dụng nhiều, các biên tập viên của Endgadget vẫn có thể dùng iPad trong vòng 1 ngày rưỡi.
Trong thử nghiệm "pin" nặng ký nhất: bật ứng dụng Maps, kết nối với thiết bị Bluetooth, iPad Air sụt tới 40% pin chỉ trong vòng 2 giờ. Lý do là màn hình của iPad Air liên tục được bật trong thời gian trên, do đó nếu tắt màn hình đi bạn có thể nhận được thời lượng pin tốt hơn. Ví dụ, nếu sử dụng iPad Air để phát sóng Wi-fi cho các thiết bị khác, máy còn tới 70% pin sau 6 giờ sử dụng. Nhìn chung, thời lượng pin của iPad Air là rất tốt so với các sản phẩm cạnh tranh.
Chất lượng loa của iPad Air vẫn như thế hệ cũ, song trên iPad Air loa bị đặt tại cuối thiết bị, do đó bạn có thể sẽ vô tình bịt mất loa của máy khi sử dụng. Tuy vậy, đây sẽ không phải là vấn đề quá lớn do bạn khó có thể vô tình bịt loa tới mức gây ảnh hưởng tới âm lượng.
Tạm kết
Nếu chỉ cần một trải nghiệm người dùng cuối đơn giản và hiệu năng xử lý mạnh mẽ, iPad Air vẫn là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Thiết kế và hiệu năng của iPad cỡ lớn đã được cải tiến vượt bậc: cân nặng và độ mỏng của máy sẽ thật sự tiện dụng, trong khi vi xử lý A7 có khả năng đón đầu tương lai và đánh bại tất cả các ứng dụng nặng ký nhất.
Rất có thể iPad Air sẽ để mất thị phần vào tay iPad mini Retina. Chiếc máy tính bảng cỡ nhỏ của Apple năm nay có phần "ruột" giống hệt iPad Air và do đó sẽ có hiệu năng không hề thua kém. Nếu bạn muốn một chiếc máy tính bảng nhỏ gọn nhưng có hiệu năng cao, hãy lựa chọn iPad mini mới. Song, nếu bạn cần chiếc máy tính bảng cỡ lớn cao cấp nhất trên thị trường, iPad Air là câu trả lời dành cho bạn.